Răng hô, móm… được gọi chung là răng sai khớp cắn. Răng sai khớp cắn là tình trạng lệch trong tương quan giữa xương và các răng hai hàm. Sai khớp cắn có thể xảy ra ngay cả khi răng trông có vẻ thẳng và đều nhưng răng hàm trên và hàm dưới lại không khớp đúng với nhau. Răng sai khớp cắn ảnh hưởng đến cấu trúc hài hòa của tổng thể gương mặt cũng như sức khỏe răng miệng,
Nhận biết dấu hiệu răng sai khớp cắn
Khái niệm khớp cắn là sự tương quan về cả răng và xương hàm giữa hai hàm trên và dưới ở trạng thái bình thường và khi ăn nhai. Khớp cắn đúng là khi hai hàm và răng tiếp xúc với nhau cân đối và tương xứng.
Sai khớp cắn là tình trạng lệch trong tương quan giữa xương và các răng hai hàm. Sai khớp cắn là tên gọi chung chỉ các trường hợp: răng mọc chen chúc, răng mọc thưa, răng cắn hở, răng cắn sâu, răng hô, răng móm. Sai khớp cắn xảy ra khi răng mọc không thẳng, không đúng chiều và không theo phương bình thường, hoặc trường hợp các răng trên mỗi hàm đều mọc thẳng đều nhưng tương quan giữa hai hàm bị sai lệch do sự phát triển bất thường của xương hàm.
Nguyên nhân gây sai khớp cắn:
- Yếu tố di truyền
- Mất răng sữa sớm, không theo đúng trình tự
- Các thói quen xấu từ nhỏ như tật mút tay, đẩy lưỡi, chống cằm, ngậm ti giả… về lâu dài sẽ có xu hướng đẩy răng mọc sai so với vị trí chuẩn ban đầu
Ảnh hưởng của răng mọc sai khớp cắn đến sức khỏe
- Ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ và sự cân bằng hài hòa của tổng thể gương mặt
- Khiến bệnh nhân thiếu tự tin khi giao tiếp và cười nói
- Gây ra các bệnh lý răng miệng: Khó khăn trong vệ sinh răng miệng khiến răng dễ gặp các vấn đề như sâu răng, bệnh nha chu, mòn men răng bất thường, dễ bị nứt vỡ, nhạy cảm với các chấn thương (răng hô vẩu)…
- Ăn nhai gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
- Phát âm không chuẩn
- Loạn năng khớp thái dương hàm, gây ra các cơn đau nhức khó chịu